Đánh bại thị trường chứng khoán VN-Index là một việc rất khó thực hiện

Nhiều quỹ ngoại cá mập có quy mô tài sản hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam bị đánh bại bởi chỉ số VN-Index từ đầu năm 2025.

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua thực sự không phải giai đoạn dễ dàng đối với nhà đầu tư. Khi tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp thuế 46% đối với hàng hoá Việt Nam vào đầu tháng 04/2025, chỉ số VN-Index đã sụt giảm mạnh từ mức 1340 xuống còn 1073 chỉ trong vòng 1 tuần. Sau đó vào ngày 09/04 tổng thống Trump thông báo tạm hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, và kể từ thời điểm này chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng liên tục gần 300 điểm, đóng cửa ở mức 1371 điểm vào phiên giao dịch ngày thứ 6 vừa rồi. Tính từ đầu năm, VN-Index tăng gần 105 điểm (+8,3%) qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ. Không chỉ các cá nhân, nhiều quỹ ngoại quy mô đến cả tỷ USD cũng gặp khó khăn trong việc đánh bại thị trường chứng khoán.

chi-so-vnindex-len-muc-cao-nhat-trong-3-nam-qua
Chỉ số VN-Index lên mức cao nhất 3 năm qua

Hai quỹ ngoại có quy mô hàng đầu tại thị trường chứng khoán Việt Nam là VEIL – Dragon Capital (-9%) và VOF – VinaCapital (-6,4%) đều ghi nhận hiệu suất âm từ đầu năm 2025. Trong khi đó, một số cái tên có hiệu suất khả quan hơn như JPMorgan VOF hay Pyn Elite Fund, cũng không thể chiến thắng VN-Index.

hieu-suat-cua-quy-dau-tu-ngoai-thua-xa-vnindex-tu-dau-nam-2025
Hiệu suất của các quỹ ngoại thua xa VN-Index từ đầu năm 2025

Hiệu suất của các quỹ ngoại kém khả quan một phần do tỷ giá leo thang từ đầu năm, vượt mốc 26.000. Từ đầu năm, VND mất giá gần 3% so với USD và điều này làm giảm giá trị tài sản khi quy đổi ngoại tệ của các quỹ đầu tư nước ngoài.

ty-gia-usd-vnd-tang-cao
Tỷ giá USD và đồng VND leo thang từ đầu năm

Tuy nhiên, một yếu tố có lẽ quan trọng hơn là việc danh mục của các quỹ ngoại đang có sự lệch pha nhất định với các “đầu kéo” VN-Index. Từ đầu năm, cổ phiếu “họ” Vingroup (VIC, VHM, VPL, VRE) đồng loạt tăng mạnh, đóng góp đến hơn 110 điểm vào VN-Index. Đa phần các nhóm cổ phiếu khác đều không tăng, thậm chí đi lùi.

Tuy nhiên, danh mục của các quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán đa phần đều không phân bổ nhiều vào nhóm Vingroup. JPMorgan VOF là cái tên hiếm hoi mà bộ đôi cổ phiếu VIC và VHM đều năm trong top đầu tỷ trọng trong danh mục. Còn lại, đa phần các quỹ đều chỉ nắm VHM với lượng không lớn.

top-cac-co-phieu-dong-gop-lon-nhat-vao-chi-so-vnindex-tu-dau-nam-2025

Thực tế, hoạt động cơ cấu danh mục để “bắt trend” ngắn hạn của thị trường là điều không dễ dàng đối với các quỹ ngoại quy mô lớn, đặc biệt là tại một thị trường cận biên đầy biến động khó lường như chứng khoán Việt Nam. Hơn nữa, việc thiếu những con sóng lớn trong nhiều năm qua cũng khiến hiệu suất của các quỹ ngoại không mấy khả quan.

Khó kiếm lợi nhuận là một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mấy “mặn mà” với chứng khoán Việt Nam. Minh chứng là xu hướng rút ròng kéo dài nhiều năm qua trên thị trường. Khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 90.000 tỷ trên HoSE trong năm ngoái và tiếp tục bán ròng hơn 40.000 tỷ từ đầu năm.

giao-dich-cua-khoi-ngoai-theo-thang-tren-san-hose

Khối ngoại bán ròng trên sàn chứng khoán không đồng nghĩa với việc rút khỏi thị trường Việt Nam bởi không ít nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền mua cổ phần chào bán từ các doanh nghiệp với những thương vụ có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, xu hướng bán ròng triền miên của khối ngoại vẫn là một điểm đáng lưu ý.

Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những thách thức nhất định trong ngắn hạn bởi (1) áp lực chốt lời sau giai đoạn đi lên trước đó; (2) tình hình kinh tế, địa chính trị bất ổn bên ngoài thế giới; (3) dòng vốn ngoại tiếp tục rút khỏi các thị trường cận biên, mới nổi… Những biến số này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của các quỹ cũng như nhà đầu tư cá nhân trong ngắn hạn.

Dù vậy, triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhờ vào:

  • Tình hình vĩ mô ổn định, các giải pháp thúc đẩy kinh tế của Chính phủ;
  • Khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết; 
  • Câu chuyện nâng hạng ngày càng rõ ràng sau những nỗ lực của cơ quan quản lý… Đây sẽ là động lực để thị trường thu hút dòng tiền lớn trong tương lai, tạo ra dưa địa để các quỹ mở phát triển.

Theo Tạp chí Nhịp sống thị trường Markettimes

Mới hơn Cũ hơn