Chứng khoán là gì?
Chứng khoán (securities) là các công cụ tài chính có giá trị, đại diện cho quyền sở hữu hoặc quyền đòi nợ đối với một phần tài sản hoặc vốn của một công ty hoặc tổ chức phát hành.
![]() |
Các loại chứng khoán phổ biến |
Chứng khoán có thể được mua bán trên thị trường chứng khoán và bao gồm các loại phổ biến sau:
- Cổ phiếu (Stock): Đại diện cho quyền sở hữu một phần của công ty. Người sở hữu cổ phiếu (cổ đông) hay nhà đầu tư có quyền tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty thông qua đại hội cổ đông và có thể nhận cổ tức nếu công ty có lợi nhuận, và sinh lợi khi giá trị cổ phiếu tăng lên. Ví dụ cổ phiếu công nghệ FPT, hay cổ phiếu sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM).
- Trái phiếu (Bond): Là công cụ nợ, đại diện cho khoản vay của nhà đầu tư đối với công ty hoặc chính phủ. Người sở hữu trái phiếu được hưởng lãi suất định kỳ và sẽ được hoàn trả vốn gốc khi trái phiếu đáo hạn.
- Chứng chỉ quỹ (ETFs, Mutual Funds): Là sản phẩm của các quỹ đầu tư, cho phép nhà đầu tư mua một phần của danh mục đầu tư đa dạng bao gồm cổ phiếu, trái phiếu hoặc các tài sản khác. Ví dụ: chứng chỉ quỹ ETF như FUEVFVND mô phỏng các cổ phiếu trong rổ VN-Diamond, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 mô phỏng 30 cổ phiếu bluechips trong rổ VN30.
- Chứng khoán phái sinh (Derivatives): Là các công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào giá trị của một tài sản cơ sở (như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, hoặc chỉ số). Ví dụ: hợp đồng tương lai VN30, quyền chọn.
Mục đích của chứng khoán
- Huy động vốn: Công ty hoặc chính phủ phát hành chứng khoán để huy động vốn trung và dài hạn từ nhà đầu tư.
- Đầu tư: Nhà đầu tư mua chứng khoán với kỳ vọng thu lợi nhuận từ cổ tức, lãi suất hoặc chênh lệch giá.
- Thanh khoản: Chứng khoán có thể được mua bán dễ dàng trên thị trường, có tính thanh khoản cao hơn so với vàng và bất động sản, giúp nhà đầu tư chuyển đổi thành tiền mặt khi cần.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các giao dịch giữa người bán và người mua chứng khoán, giống như một cái chợ (market) ở ngoài thực tế. Có 2 loại thị trường chứng khoán:
- Thị trường sơ cấp: nơi chứng khoán được phát hành lần đầu.
- Thị trường thứ cấp: nơi chứng khoán được giao dịch sau khi phát hành, như Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (sàn HOSE) với chỉ số VN-Index , hay Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (sàn HNX, Upcom).
Chứng khoán là một kênh đầu tư quan trọng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ kiến thức về kinh tế vĩ mô, báo cáo tài chính, phân tích cơ bản hoặc phân tích kỹ thuật và có chiến lược đầu tư phù hợp.
Các phương pháp đầu tư chứng khoán phổ biến
- Đầu tư giá trị (Value Investing): Tìm kiếm những cổ phiếu bị định giá thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp dựa trên phân tích kỹ lưỡng mô hình kinh doanh và báo cáo tài chính. Đại diện cho trường phái đầu tư giá trị dài hạn tiêu biểu là Ben Graham và Warren Buffett.
- Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing): Tập trung vào các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao, tiềm năng mở rộng thị trường lớn. Thường là các doanh nghiệp chất lượng cao tuy nhiên định giá hơi đắt. Đại diện cho phong cách đầu tư tăng trưởng tiêu biểu là Philip Fisher và Peter Lynch.
- Đầu tư cổ tức (Dividend Investing): Tìm kiếm các cổ phiếu chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn, ổn định và có khả tăng tăng trưởng cổ tức trong tương lai. Phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn cần thu nhập thụ động ổn định mỗi năm.
- Đầu tư quỹ chỉ số (Index Investing): Mua chứng chỉ quỹ ETFs hoặc các sản phẩm mô phỏng chỉ số thị trường như VN30 (Việt Nam), S&P500 (Mỹ)… Phương pháp đầu tư này phù hợp cho nhà đầu tư mới, ít có thời gian nghiên cứu. Nhà đầu tư không cần phải lựa chọn cổ phiếu cụ thể, kết quả của phương pháp này cho hiệu suất tương đương với thị trường chung.
- Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis): mua bán cổ phiếu ngắn hạn để kiếm lợi nhuận từ biến động giá hàng ngày, hàng tuần và ảnh hưởng bởi các tin tức thị trường. Tuy nhiên phương pháp trading chứng khoán ngắn hạn có rủi ro rất cao nên cần kỷ luật thép và kỹ năng quản trị rủi ro tốt.